Header Ads

Header ADS

Người họa sĩ đi tìm “Sự sống” (Thứ Năm, 17/11/2011 18:00 CH)

 Người họa sĩ đi tìm “Sự sống”

Thứ Năm, 17/11/2011 18:00 CH



Mặc dù gia cảnh khó khăn, học vẽ chủ yếu bằng cách làm thuê cho các phòng tranh, đi coi triển lãm, vào bảo tàng ngắm tranh, sờ tranh rồi về suy nghĩ, tập tành sáng tác; đến lần thứ 5 mới thi đậu vào Trường đại học Mỹ thuật… Đó là sự nỗ lực không ngừng của chàng trai khiếm thính Nguyễn Văn Thạnh (30 tuổi) để theo đuổi giấc mơ hội họa.

 



Văn Thạnh đang vẽ bức tranh sơn mài “Đếm hoa” - Ảnh: K.HÀ

Sau khi tốt nghiệp THCS, vì muốn học vẽ, Nguyễn Văn Thạnh thi vào Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Sóc Trăng. Năm 20 tuổi, Thạnh lên TP Hồ Chí Minh vừa làm thợ sắt, thợ nhôm vừa vẽ thuê kiếm tiền ôn thi đại học. Mới luyện được hơn hai năm thì Thạnh phải trở về nhà vì một cơn bạo bệnh khiến anh bị liệt rồi hư hẳn một bên tai. Vừa đi lại được, Thạnh trở lại Sài Gòn ôn thi tiếp và mãi đến lần thứ 5 mới đậu vào Trường đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Mặc dù theo học khoa Sư phạm mỹ thuật nhưng ra trường, Văn Thạnh không đi dạy mà lại cầm cọ theo đuổi giấc mơ hội họa.

 

Theo đuổi sự nghiệp tranh sơn mài đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều tiền. Để thực hiện được triển lãm cá nhân đầu tay với chủ đề Ngàn năm Thăng Long và sơn mài hiện đại tại Trường đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh vào tháng 11/2010, gia đình Thạnh đã phải bán hơn 2.000m2 đất. Thạnh xúc động nhớ lại: “Tôi đã nói với mẹ mình: Không thành công, con không sống nữa. Biết tính tôi ngông, nên dù nhà khó khăn nhưng thương con, mẹ tôi đã phải cắt đất để bán. Cái nợ quá lớn, chưa biết đến lúc nào tôi trả được”. Thạnh làm thêm như “điên cuồng”. Anh nhận chép tranh cho một khách hàng ngay tại căn phòng trọ. Có khi làm ba ngày ba đêm không ngủ. Mệt thì lăn kềnh ra nghỉ chút đỉnh. Đói thì dừng tay ăn vội vã. Rồi Thạnh phụ việc gần năm tháng cho một họa sĩ đương đại nổi tiếng thế giới mang hai quốc tịch Nhật Bản và Mỹ đang sống tại Việt Nam. “Một ngày làm việc của tôi không bắt đầu từ lúc mấy giờ mà làm mọi lúc cho tới 4g sáng. Cứ ăn xong là làm”, Thạnh chia sẻ.

 

Triển lãm tranh Sự sống gồm 40 tác phẩm của họa sĩ Văn Thạnh đang được tổ chức tại Art Gallery, TP Hồ Chí Minh từ 1/11-30/11. Triển lãm giới thiệu những bức tranh sơn mài và acrylic mới nhất vẽ phong cảnh quê hương, con người Việt Nam, cho thấy một niềm đam mê hội họa mãnh liệt của một thanh niên giàu nghị lực.

Triển lãm đầu tay Ngàn năm Thăng Long và sơn mài hiện đại của Văn Thạnh gồm 57 bức tranh, trong đó đáng chú ý nhất có 20 bức tranh được dát vàng một cách công phu với những đường nét gồ ghề, những vết rạn nứt khá mới lạ. Tranh Thạnh phảng phất sự bình yên bởi nét chân chất, hồn hậu chân quê chuyển tải được hơi thở cuộc sống, chiều sâu mang tính triết học và sử dụng nhiều chất liệu cùng lúc. Sơn mài trên vải bố, sơn mài mà gồ ghề, lồi lõm những chi tiết, hình khối, đường nét chứ không phẳng như sơn mài truyền thống. Sơn dầu kết hợp với acrylic và sợi đay, vải bố. Cách dùng màu rất tự nhiên và lạ của tác giả cùng cách thể hiện vượt ra ngoài khuôn khổ trường lớp đã khiến người xem ngạc nhiên. Nhà phê bình, lý luận Chương Phi Đức, Phó hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh nhận xét: “Ở Việt Nam chỉ có khoảng bảy, tám họa sĩ tranh sơn mài đương đại và Thạnh là một trong số ít đó. Họ chủ yếu tự mày mò nghiên cứu để vẽ. Riêng Thạnh, tôi thấy em có nhiều sáng tạo trong tranh như việc tìm tòi pha chế chất liệu, tranh vẽ gồ ghề tạo ấn tượng cho người xem. Với sự đam mê nghề nghiệp, sức làm việc, chịu khó tìm tòi sáng tạo cái mới, cái lạ trong nghề như thế, tôi nghĩ Thạnh sẽ nhanh chóng phát triển, đóng góp cho nền mỹ thuật nước nhà”.

 

Để những bức tranh có hồn và có chiều sâu, ít ai biết Thạnh đã phải nỗ lực rất nhiều trong từng nét vẽ. Không có tiền để học chuyên sâu về các thể loại tranh, Thạnh học bằng cách đi coi triển lãm, vào bảo tàng ngắm tranh, sờ tranh rồi về suy nghĩ, tìm tòi. Thạnh tranh thủ học cả khi phụ việc cho họa sĩ đương đại nổi tiếng thế giới và làm thêm ở các phòng tranh. Anh tằn tiện từng đồng để mua từng mét vải bố, từng cây cọ, từng hộp màu. Khó khăn tới nỗi có lần trời mưa to, đang làm thêm, Thạnh xin chạy về mang tranh sơn mài đang làm ra để ở lan can nhờ nước mưa rửa tranh để... tiết kiệm nước.

 

Sau triển lãm cá nhân đầu tay Ngàn năm Thăng Long và sơn mài hiện đại, Văn Thạnh miệt mài sáng tác và tham gia nhiều triển lãm như triển lãm Vì ánh mắt trẻ thơ; triển lãm nhóm Mỹ thuật đương đại TP Hồ Chí Minh; triển lãm Sơn mài Sài Gòn; triển lãm cá nhân Tranh và quá trình sáng tạo. Ngoài ra, anh sẽ có triển lãm cá nhân tại Thái Lan và tại vương quốc Anh vào cuối năm nay. Hiện tại, anh đang nghiên cứu sâu về năm loại chất liệu: Sơn mài truyền thống, sơn mài đương đại, sơn dầu, acrylic, chất liệu tổng hợp. Thạnh chia sẻ: “Đã có lúc tôi mệt mỏi và hoang mang vì gánh nặng cơm áo gạo tiền. Nhưng tôi tin vào con đường mình đi. Tôi hạnh phúc vì được sống và làm cái mình yêu thích”.

  

KHÁNH HÀ

http://www.baophuyen.com.vn/93/72544/nguoi-hoa-si-di-tim--su-song.html

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.