Header Ads

Header ADS

Tác giả của những bức tranh dát vàng( Thứ Bảy, ngày 26/3/2011 - 00:19)

 Tác giả của những bức tranh dát vàng

( Thứ Bảy, ngày 26/3/2011 - 00:19)

Họa sĩ Văn Thạnh đang miệt mài sáng tác trong căn phòng chưa đầy 5 m2 của anh. Ảnh: HÀN GIANG

Để có tiền vẽ tranh, họa sĩ Nguyễn Văn Thạnh thuyết phục gia đình bán hơn 20 công đất ruộng, một cái nền nhà và cầm luôn căn nhà cả đại gia đình đang sinh sống.

Anh nén nỗi buồn vì bị nhiều người trong dòng họ gọi là kẻ “phá gia chi tử”, quyết tâm tìm thành công trong nghệ thuật.

Sau lần thất bại đầu tiên, tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Thạnh dần dần được đánh giá cao. Cả 57 bức tranh mang đi triển lãm cá nhân đều là những nét sáng tạo hoàn toàn mới, không đi theo lối cũ đường quen và vượt ra ngoài khuôn khổ của trường học. Đặc biệt, sau nhiều lần thử nghiệm, anh đã thành công trong việc làm cho thể loại tranh sơn mài bị rạn với nhiều đường nét gồ ghề, cao thấp và sự hỗ trợ từ màu sắc của ánh bạc, ánh vàng đã tạo nên những đường nét sắc sảo, trung thực cho tác phẩm.

Tìm lối đi mới

Sinh ra trong một gia đình thuần nông có sáu anh chị em, đến lớp 9 Nguyễn Văn Thạnh rẽ ngang vào CĐ Văn hóa Nghệ thuật Sóc Trăng, đồng thời học bổ túc văn hóa để hoàn thành chương trình THPT. Năm 20 tuổi, Thạnh lên TP.HCM vừa làm thợ sắt, thợ nhôm vừa vẽ thuê kiếm tiền ôn thi ĐH. 25 tuổi, anh đậu vào Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM.

“Năm 2009, đi vẽ tranh thuê tại quận 3, tôi tình cờ gặp một họa sĩ nổi tiếng người Anh gốc Việt. Biết tôi là sinh viên mỹ thuật, ông bắt chuyện, nêu ra một vài hạn chế của nền mỹ thuật Việt Nam và một số môn học liên quan đến ngành mỹ thuật mà sinh viên không được tiếp cận. Ông cho rằng các họa sĩ Việt Nam khá gò bó và thu tôi lại, chỉ vẽ trên cơ sở nền tảng được giảng dạy, không dám tìm tòi, sáng tạo. Từ những nhận định đó, tôi thấy làm bất kỳ thể loại tranh nào cũng phải cố gắng tìm kiếm cái mới, nâng thể loại tranh đang có lên một nấc mới” - họa sĩ Thạnh kể.

“Tôi nghĩ sự kết hợp giữa văn hóa phương Đông và phương Tây trong tranh sẽ giàu tính triết lý hơn, giúp đề tài phong phú, sâu sắc hơn. Từ đó, tôi nghiên cứu ra một trường phái mới, bút pháp hoàn toàn độc lập được kết hợp giữa “lối trang trí và lập thể” của phương Đông và phương Tây.

Cầm nhà, bán đất vẽ tranh

Theo đuổi sự nghiệp tranh sơn mài đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều tiền. “Năm 2009, tôi về nhà nói với gia đình cần một khoản tiền để vẽ tranh và đi học thêm bên ngoài. Suốt một buổi ngồi nghe tôi giải thích, mẹ chỉ im lặng. Lúc tôi lên thành phố được một tuần, mẹ gửi tiền lên. Tôi hỏi tiền đâu, mẹ nói phải đem giấy tờ nhà đi vay nóng. Lần đó tôi đã khóc…” - anh nghẹn lời.

“Loạt tranh đầu tiên thất bại, tiền bạc mất hết, tôi đành về nhà nói dối gia đình: “Con vẽ tranh xong rồi, cần tiền để triển lãm”. Sau ba lần nói dối như thế, tôi gặp phải sự phản kháng quyết liệt của anh em trong gia đình và bà con trong họ. Lúc đó tôi thổ lộ thật với mẹ: “Không thành công, con không sống nữa”. Biết tính tôi ngông, mẹ đã khóc rất nhiều và cắt thêm 2.000 m2 đất để bán. Ngẫm thấy thật thương gia đình, riêng tôi đi học thôi mà lấy hết phần của cả nhà. Cái nợ quá lớn, chưa biết đến lúc nào tôi trả được…” - họa sĩ Văn Thạnh xúc động kể.

Tại triển lãm cá nhân của anh diễn ra tháng 11-2010 ở Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM với chủ đề Ngàn năm Thăng Long và sơn mài hiện đại, trong số 57 bức tranh mang triển lãm, đáng chú ý nhất có 20 bức tranh được dát vàng một cách công phu với những đường nét gồ ghề, những vết rạn nứt khá mới lạ. Nhiều người xì xào rỉ tai nhau rằng đây là triển lãm của một đại gia nhưng ít ai biết rằng để giảm thiểu tối đa tiền nước, mỗi lần mưa to, phòng trọ ngập tới đầu gối, Thạnh lại nhanh chân chạy về nhà mang tranh ra mài dưới trời mưa.

“Hiện tại, tôi đang nghiên cứu sâu về năm loại chất liệu: Sơn mài truyền thống, sơn mài đương đại, sơn dầu, acrylic, chất liệu tổng hợp. Khi có điều kiện, tôi sẽ nghiên cứu tiếp thể loại tranh gò đồng và tranh lụa…” - họa sĩ Văn Thạnh chia sẻ.

Thông thường những buổi triển lãm của các họa sĩ chưa có nhiều tên tuổi ít được chú ý đến nhưng ở triển lãm của Thạnh, tôi thấy giới họa sĩ và các nhà sưu tầm tranh quan tâm đến tranh của em rất nhiều. Tôi là người thích tìm những họa sĩ trẻ, có tài năng và tôi thấy Thạnh là người tâm huyết, biết vượt khó để tìm tòi, sáng tạo. Tranh của em giàu tính giao thoa, sáng tạo và vượt qua khuôn khổ của trường học. Tôi mong em nuôi dưỡng được tâm huyết đó và kỳ vọng rất nhiều ở em.

Nhà lý luận, phê bình mỹ thuật PHỤNG QUỐC HÀM

Ở Việt Nam chỉ có khoảng bảy, tám họa sĩ tranh sơn mài đương đại và Thạnh là một trong số ít đó. Họ chủ yếu tự mày mò nghiên cứu để vẽ. Riêng Thạnh, tôi thấy em có nhiều sáng tạo trong tranh như việc tìm tòi pha chế chất liệu, tranh vẽ gồ ghề tạo ấn tượng cho người xem... Tôi và các thầy trong trường đánh giá cao khả năng tìm tòi, sáng tạo, sự kiên trì và đam mê nghề nghiệp của Thạnh. Với sức làm việc và chịu khó tìm tòi cái mới, cái lạ trong nghề như thế, tôi nghĩ Thạnh sẽ nhanh chóng phát triển, đóng góp cho nền mỹ thuật nước nhà.

Nhà phê bình, lý luận CHƯƠNG PHI ĐỨC, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM

Tác phẩm tranh sơn mài hiện đại Hoa của đất với nhiều vết rạn nứt gồ ghề, cao thấp. Ảnh: HÀN GIANG

Họa sĩ Nguyễn Văn Thạnh sinh năm 1981 tại Sóc Trăng; tốt nghiệp ngành mỹ thuật Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng năm 2002; tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM năm 2010. Anh từng tham gia nhiều triển lãm: Triển lãm Vì ánh mắt trẻ thơ; triển lãm nhóm Mỹ thuật đương đại TP.HCM; triển lãm cá nhân Ngàn năm Thăng Long và sơn mài hiện đại; triển lãm sơn mài Sài Gòn; triển lãm cá nhân Tranh và quá trình sáng tạo. Ngoài ra, anh sẽ có triển lãm cá nhân tại Thái Lan vào tháng 4 và tại Vương quốc Anh vào cuối năm nay.

                                                                                                                    HÀN GIANG
https://plo.vn/van-hoa/tac-gia-cua-nhung-buc-tranh-dat-vang-137656.html


Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.